Giải chấp Sổ đỏ đang ngày càng trở nên phổ biến đối với nhiều người. Vậy, giải chấp Sổ đỏ là gì? Thủ tục giải chấp Sổ đỏ như thế nào? Trường hợp nào đủ điều kiện giải chấp Sổ đỏ? Tham khảo nội dung bên dưới để biết câu trả lời.
Các trường hợp được giải chấp Sổ đỏ
Việc xóa thông tin đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được gọi là giải chấp Sổ đỏ. Sau khi bên thế chấp đã hoàn tất nghĩa vụ thanh toán cho bên nhận thế chấp thì giải chấp Sổ đỏ mới được thực hiện.
Căn cứ Nghị định 102/2017/NĐ-CP quy định tại Điều 21, việc xóa đăng ký thế chấp được thực hiện nếu thuộc các trường hợp sau:
– Trường hợp một: Đến hạn trả nợ gốc và đã hoàn thành nghĩa vụ trả nợ.
Hai bên có sự thỏa thuận trước về thời hạn cho vay khi thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất. Thông thường thời hạn sẽ được thống nhất là ba năm. Khi thời hạn đến, bên thế chấp đã trả cả gốc và lãi thì có quyền xóa đăng ký thế chấp theo quy định của Pháp luật.
– Trường hợp hai: Chưa đến hạn trả gốc nhưng các bên thỏa thuận trả nợ trước.
Thực tế thì có nhiều ngân hàng cho phép bên thế chấp trả gốc và lãi trước thời hạn. Vì vậy trường hợp chưa đến hạn nhưng các bên thỏa thuận đã trả nợ trước là rất phổ biến. Chỉ cần bên thế chấp hoàn tất thanh toán xong là hoàn toàn có quyền xóa đăng ký thế chấp theo quy định của Pháp luật.
Chuẩn bị hồ sơ giải chấp Sổ đỏ
Căn cứ vào Nghị định 102/2017/NĐ-CP quy định tại Điều 47 có nêu rõ về hồ sơ xóa thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất như sau:
– Một bản chính phiếu yêu cầu xóa đăng ký.
– Một bản sao không có chứng thực và một bản chính (để đối chiếu) văn bản đồng ý xóa đăng ký biện pháp bảo đảm của bên nhận bảo đảm. Hoặc có thể thay thế bằng văn bản xác nhận giải chấp của bên nhận bảo đảm cũng bao gồm một bản chính hoặc bản sao không có chứng thực (phải có bản chính để đối chiếu) nếu phiếu yêu cầu xóa đăng ký chỉ có chữ ký của bên bảo đảm.
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bản chính (Sổ đỏ, Sổ hồng).
– Một bản chính hoặc một bản sao có chứng thực văn bản ủy quyền trong trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền. (Có thể nộp bản sao không có chứng thực nhưng phải có bản chính để đối chiếu).
Lưu ý: Đối với trường hợp khi Cơ quan thi hành án dân sự hoặc Văn phòng thừa phát lại đã kê biên, xử lý xong tài sản bảo đảm mà người yêu cầu đăng ký muốn xóa đăng ký thế chấp phải nộp một bộ hồ sơ như sau:
– Một bản chính phiếu yêu cầu xóa đăng ký.
– Một bản chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ, Sổ hồng).
– Một bản chính hoặc một bản có chứng thực về văn bản xác nhận kết quả xử lý tài sản bảo đảm của cơ quan thi hành án dân sự hoặc Văn phòng thừa phát lại (hoặc có thể nộp một bản sao không chứng thực nhưng phải có bản chính để đối chiếu).
– Một bản chính hoặc một bản sao có chứng thực, hoặc một bản sao không chứng thực (nhưng phải có bản chính để đối chiếu) về văn bản ủy quyền trong trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền.
Thủ tục giải chấp Sổ đỏ
Căn cứ vào Nghị định 102/2017/NĐ-CP quy định tại Điều 48, thủ tục giải chấp Sổ đỏ bao gồm các bước sau:
– Bước một: Chuẩn bị và nộp hồ sơ.
Nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa (đối với địa phương đã thành lập bộ phận một cửa liên thông) hoặc nộp trực tiếp tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện/quận/thị xã/thành phố thuộc tỉnh/thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương nếu là cá nhân, hộ gia đình; hoặc nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai nếu là tổ chức.
– Bước hai: Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ.
– Bước ba: Giải quyết hồ sơ.
Văn phòng đăng ký đất đai sẽ có trách nhiệm ghi nội dung “xóa đăng ký” vào sổ địa chính và Giấy chứng nhận trong thời hạn không quá 3 ngày làm việc (không tính thời gian phải bổ sung hồ sơ); không quá 13 ngày đối với các vùng miền núi, hải đảo, vùng sâu vùng xa, … theo Nghị định 01/2017/NĐ-CP quy định tại khoản 40 Điều 2.
– Bước bốn: Trả kết quả đến người yêu cầu giải chấp Sổ đỏ.
Như vậy, điều kiện, quy trình, thủ tục giải chấp Sổ đỏ không quá phức tạp. Thông tin giải chấp Sổ đỏ được ghi rõ tại trang bổ sung của Giấy chứng nhận và có dấu đỏ của cơ quan đăng ký đất đai.