Để tiến hành giao dịch mua bán nhà đất đã có Sổ đỏ, người dân cần đảm bảo những thủ tục, quy trình và chi phí như sau:
1. Đặt cọc
Đầu tiên, bên bán và bên mua cần phải có sự ký kết ban đầu để tỏ rõ thiện chí. Thủ tục này gọi là đặt cọc.
Đối với giao dịch mua bán nhà đất đã có Sổ đỏ, có thể tiến hành đặt cọc tại văn phòng công chứng địa phương. Hoặc đôi bên tự ký kết thỏa thuận nhưng phải có người làm chứng ký tên.
Nội dung đặt cọc giao dịch mua bán nhà đất đã có Sổ đỏ:
– Thông tin pháp lý bên người bán (họ tên, Căn cước công dân, địa chỉ, …). Bao gồm cả thông tin về vợ, chồng hay người đồng sở hữu (nếu có). Nếu chủ sở hữu còn độc thân thì phải có Giấy xác nhận độc thân tại nơi cư trú. Nếu đã ly hôn phải có Giấy chứng nhận ly hôn và xác nhận phân chia tài sản của tòa án.
– Nếu bất động sản là tài sản thừa kế, phải có Di chúc thừa kế hợp pháp.
– Thông tin pháp lý bên người mua (họ tên, Căn cước công dân, địa chỉ, …).
– Thông tin cụ thể về bất động sản đang giao dịch. Bao gồm thông tin hiện trạng, số Sổ đỏ, địa chỉ trên Sổ đỏ, diện tích đất và diện tích xây dựng, …
– Tổng số tiền đã được hai bên thỏa thuận trước đó. Đính kèm với chi tiết số tiền đặt cọc ban đầu.
– Thời gian cụ thể về đợt thanh toán tiếp theo người mua phải trả và hình thức thanh toán đã thỏa thuận.
– Thời điểm hai bên ký hợp đồng mua bán (hay chuyển nhượng) nhà đất tại phòng công chứng.
2. Công chứng hợp đồng
Bước thứ hai trong quy trình mua bán nhà đất đã có Sổ đỏ là công chứng hợp đồng. Người giao dịch có thể chuẩn bị giấy tờ và các thủ tục liên quan trước khi đến văn phòng công chứng theo lịch hẹn.
2.1 Thủ tục, giấy tờ người bán cần chuẩn bị
Nếu là bên chủ bất động sản, bạn cần chuẩn bị những giấy tờ, thủ tục sau:
– Căn cước công dân bản gốc kèm bốn bản photo có công chứng. Bao gồm của cả vợ và chồng hoặc người đồng sở hữu (nếu có). Đồng thời đính kèm bản gốc Giấy đăng ký kết hôn + bốn bản photo có công chứng (nếu có).
– Hộ khẩu thường trú bản gốc kèm bốn bản photo có công chứng. Bao gồm cả giấy tờ của vợ và chồng hoặc người đồng sở hữu (nếu có).
– Sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) của Bất động sản đang giao dịch (bản gốc).
2.2 Thủ tục, giấy tờ người mua cần chuẩn bị
Nếu bạn là bên người mua, bạn cần chuẩn bị giấy tờ sau:
– Căn cước công dân bản gốc kèm bốn bản photo có công chứng hợp pháp.
– Hộ khẩu thường trú bản gốc kèm bốn bản photo có công chứng hợp pháp.
Ngoài ra, khi tiến hành giao dịch ký kết và công chứng hợp đồng; người mua thanh toán toàn bộ số tiền còn lại cho người bán. Đồng thời, người bán cũng có nghĩa vụ bàn giao toàn bộ giấy tờ pháp lý liên quan theo yêu cầu của văn phòng công chứng cho người mua.
Xem thêm: Mua đất nhưng Sổ đỏ vẫn đứng tên chủ cũ có rủi ro không?
3. Nộp thuế
Trong quy trình mua bán nhà đất đã có Sổ đỏ, hầu hết bên mua sẽ phải tự đi kê khai nộp thuế và thực hiện quy trình sang tên Sổ đỏ trên phòng địa chính quận/huyện. Ngược lại, bên bán sẽ khấu trừ số tiền nộp thuế cho bên mua.
Lệ phí và thuế phải đóng khi mua bán nhà đất bao gồm:
– Thuế thu nhập cá nhân = 2% x Giá trị chuyển nhượng (Điều 17 Thông tư 92/2015/TT-BTC).
– Lệ phí trước bạ = 0,5% x Diện tích x Giá 1m2 theo bảng giá đất.
– Lệ phí địa chính tùy từng địa phương quy định. Trung bình từ 15.000 đồng cho đến 30.000 đồng/1 trường hợp.
– Lệ phí thẩm định hồ sơ: Tùy thuộc vào diện tích, quy mô của đất và mức độ phức tạp của hồ sơ. Thông thường mức phí này được tính là 0,15% giá trị (sang tên) chuyển nhượng (tối thiểu 100.000 đồng đến tối đa không quá 5.000.000 đồng/1 trường hợp).
4. Sang tên Sổ đỏ
Sau khi hoàn tất toàn bộ các quy trình theo quy định của nhà nước, người mua cần sang tên Sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) để hợp pháp hóa quyền sở hữu bất động sản.
Các bước thực hiện sang tên Sổ đỏ:
– Kê khai thuế thu nhập cá nhân tại chi cục thuế quận/huyện nơi quản lý nhà đất.
– Nộp tiền thuế thu nhập cá nhân đã kê khai vào kho bạc nhà nước sau khi nhận giấy tờ khai của chi cục thuế.
– Sau khi nộp thuế, nhận biên lai và lấy giấy xác nhận đã thực hiện nghĩa vụ đóng thuế đối với nhà nước tại chi cục thuế.
– Sau cùng, bạn mang toàn bộ hồ sơ lên nộp tại phòng địa chính quận/ huyện nơi quản lý nhà đất đang giao dịch. Đồng thời làm thủ tục chuyển quyền/tên người sở hữu.
Xem thêm: Các loại chi phí sang tên sổ đỏ cần nắm được!